QUY TRÌNH THAO TÁC CÔNG VIỆC TRONG DỊCH VỤ KIỂM THỬ PHẦN MỀM

Kiểm thử phần mềm là một quá trình quan trọng nhằm đảm bảo chất lượng và độ tin cậy của sản phẩm. Quy trình này bao gồm nhiều giai đoạn, từ việc phân tích yêu cầu, thiết kế các trường hợp kiểm thử chi tiết, thực hiện kiểm thử trên nhiều nền tảng và thiết bị khác nhau, đến việc báo cáo kết quả và theo dõi tiến độ. Mục tiêu cuối cùng của quá trình kiểm thử là phát hiện và loại bỏ lỗi, đảm bảo sản phẩm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của khách hàng. Cùng tìm hiểu chi tiết về quy trình và các bước kiểm thử phần mềm qua nội dung dưới đây nhé!

1.   Phân loại kiểm thử phần mềm

Kiểm thử phần mềm là quá trình quan trọng để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Hiện nay, quá trình này thường được chia thành hai giai đoạn chính: kiểm thử hệ thống và kiểm thử chấp nhận. Mục tiêu chung của cả hai giai đoạn là đảm bảo phần mềm hoạt động ổn định, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của người dùng và không gặp phải lỗi nghiêm trọng trước khi đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, giữa các loại kiểm thử phần mềm sẽ có điểm khác biệt riêng. Cụ thể như sau:

1.1.         Kiểm thử hệ thống

Kiểm thử hệ thống là quá trình đánh giá toàn diện một hệ thống phần mềm đã hoàn thiện, nhằm đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định, chính xác và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đặt ra. Quá trình này được thực hiện trong một môi trường mô phỏng gần giống với môi trường thực tế, giúp phát hiện và khắc phục các lỗi tiềm ẩn trước khi đưa hệ thống vào sử dụng chính thức. Kiểm thử hệ thống bao gồm việc kiểm tra các chức năng, hiệu suất, khả năng tương thích và các yếu tố khác của hệ thống. Ví dụ, khi kiểm thử một trang web thương mại điện tử, các kỹ sư sẽ kiểm tra xem người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm sản phẩm, thêm vào giỏ hàng và tiến hành thanh toán hay không. Kiểm thử hệ thống giúp đảm bảo rằng trang web hoạt động trơn tru và mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.

1.2.         Kiểm thử chấp nhận

Kiểm thử chấp nhận là dịch vụ kiểm thử do bên đặt hàng (người dùng) thực hiện nhằm xác định liệu hệ thống có đáp ứng đầy đủ các yêu cầu và kỳ vọng của họ hay không.

Quá trình này được thực hiện gần giống với điều kiện thực tế, quy trình tương tự kiểm thử hệ thống để nhằm xác nhận sản phẩm đáp ứng yêu cầu và không có vấn đề gì. So sánh giữa kiểm thử hệ thống và kiểm thử chấp nhận, thì điểm chung ở khía cạnh xác nhận toàn bộ hệ thống có đáp ứng yêu cầu hay không. Tuy nhiên điểm khác biệt của kiểm thử chấp nhận so với kiểm thử hệ thống nằm ở việc được thực hiện trong điều kiện gần với môi trường sản xuất hơn. Việc kiểm tra cuối cùng trước khi giao hàng do bên đặt hàng thực hiện được gọi là kiểm thử chấp nhận, còn kiểm thử hệ thống là quá trình mà phía kiểm tra đảm bảo rằng chất lượng sản phẩm đã đảm bảo chất lượng để chuyển sang bước kiểm tra cuối cùng.

Vì vậy, về cơ bản, lý tưởng nhất là phía phát triển phụ trách kế hoạch và thực hiện kiểm thử hệ thống, còn phía đặt hàng phụ trách kiểm thử chấp nhận. Tuy nhiên, nếu có các lỗi hoặc vấn đề cần phát hiện, việc giao cho các bên cung cấp dịch vụ bên ngoài có kỹ thuật chuyên môn cũng được cân nhắc dựa trên số lượng công việc và độ chính xác yêu cầu.

2.   Quy trình 4 bước thao tác trong dịch vụ kiểm thử phần mềm

  • Bước 1: Lập kế hoạch kiểm thử

Trước khi bắt đầu kiểm thử phần mềm, người dùng cần lựa chọn nội dung thực sự cần thiết từ số lượng lớn để thực hiện kiểm thử, có định hướng đến tuân thủ và phát triển. Đây được gọi là kế hoạch kiểm thử. Trong kế hoạch này, nêu rõ mục đích, phương pháp kiểm thử hệ thống, phạm vi (scope), lịch trình, quản lý rủi ro và các biện pháp xử lý, cũng như hướng đi chung cho toàn bộ quá trình kiểm thử.

  • Bước 2: Thiết kế kiểm thử

Sau khi đã tổng hợp phương hướng chung, tiến hành chuẩn bị “Tài liệu đặc tả kiểm thử hệ thống” dựa trên các nội dung đó. Ở bước này, các mục cụ thể của các trường hợp kiểm thử, người phụ trách từng phần kiểm thử, môi trường và công cụ cần thiết để thực hiện kiểm thử được xác định để đảm bảo quá trình kiểm thử diễn ra trôi chảy. Tài liệu cũng bao gồm các tiêu chuẩn đánh giá kết quả kiểm thử, xác định các tiêu chí đánh giá chất lượng và điểm đạt chuẩn. Sau đó, tạo “Hướng dẫn kiểm thử hệ thống” tổng hợp các điều kiện và quy trình khi thực hiện kiểm thử.

  • Bước 3: Chuẩn bị môi trường và dữ liệu kiểm thử

Sau khi đã hoàn thành tài liệu đặc tả và hướng dẫn, dịch vụ kiểm thử chưa bắt đầu ngay lập tức mà cần phải chuẩn bị môi trường và dữ liệu để thực hiện. Trong đó, thiết bị phần cứng đi kèm, hệ điều hành phục vụ kiểm thử hệ thống thường được chuẩn bị giống với môi trường thực tế. Dữ liệu kiểm thử cũng phải giả định giống như môi trường thực tế từ thông tin cơ bản đến dữ liệu tích lũy qua hoạt động.

  • Bước 4: Tiến hành kiểm thử, quản lý tiến độ

Thực hiện kiểm thử theo tài liệu đặc tả và hướng dẫn. Nếu phát hiện lỗi trong quá trình kiểm thử, tiến hành phân tích các vấn đề để xác định nguyên nhân cho phép nhà phát triển sửa chữa. Sau khi sửa chữa, cần kiểm tra lại để xác định lỗi đã được khắc phục đúng cách và không phát sinh vấn đề mới. Đồng thời, quản lý tiến độ kiểm thử, quản lý lỗi và báo cáo về nội dung sửa chữa hoặc thay đổi cho các bên liên quan. Dựa trên kết quả và tình hình kiểm thử, các bên liên quan sẽ thảo luận về việc phát hành sản phẩm hoặc phương hướng khắc phục lỗi.